THƯ VIỆN THCS THỊ TRẤN PHÙ MỸ

     Thư viện THCS thị trấn Phù Mỹ phục vụ tất cả các giáo viên, học sinh và quý phụ huynh của trường, chúng tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy những tài liệu bạn cần. Hơn thế nữa nhân viên của thư viện sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm thông tin bạn cần. Thư viện cung cấp máy tính để sử dụng cũng như truy cập Wi-Fi miễn phí. Phối hợp với thư viện tỉnh và các đơn vị khác tổ chức nhiều sự kiện cho mọi lứa tuổi.
     Hãy đến thư viện và khám phá các tài nguyên và dịch vụ tại thư viện của chúng tôi! Chúng tôi mong được phục vụ bạn! Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu chúng tôi có thể được hỗ trợ theo bất kỳ cách nào.

TRIỂN LÃM BÁO XUÂN BÌNH ĐỊNH TRỰC TUYẾN

XUÂN GIÁP THÌN - 2024

Xem triển lãm...

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5

Kính thưa quý thầy, cô giáo và các em học sinh thân mến!

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với những cống hiến vĩ đại của Người trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng với lối sống giản dị, thanh cao, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực, Người đã nêu tấm gương sáng và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng đạo đức và cách mạng trong thời đại mới.
          Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thư viện Trường THCS thị trấn Phù Mỹ xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Những câu chuyện nhỏ bài học lớn từ Bác Hồ”do tác giả Đoàn Huyền Trang sưu tầm và tuyển chọn. Do nhà xuất bản Dân trí thẩm định và xuất bản năm 2021. Sách được in 2000 bản, với độ dày 227 trang và in trên khổ 13 x 19 cm. Cuốn sách là tập hợp 74 câu chuyện nhỏ về đạo đức, lối sống giản dị, tiết kiệm, những sinh hoạt bình dị thường ngày của Bác, qua đó chúng ta sẽ rút ra được những bài học sâu sắc và càng thêm thấm thía những lời dạy của Người.

Các em học sinh thân mến!

Bằng cách sử dụng ngôn từ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, mỗi câu chuyện trong cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, toát lên tình yêu thương bao la của Bác dành cho tất cả mọi người. Câu chuyện “Thời gian quý báu lắm” cho chúng ta bài học về tiết kiệm thời gian, để tiết kiệm được thời gian đòi hỏi mỗi người cần phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, học tập và làm việc ngăn nắp, gọn gàng, học sinh phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp, đi học đúng giờ, sử dụng hiệu quả giờ học,…

Câu chuyện “Nước nóng, nước nguội” cho chúng ta bài học về cách ứng xử. Khi giận dữ, con người dễ mất kiểm soát bản thân mình, từ đó có thể làm nhiều việc mà không suy nghĩ đến hậu quả, hoặc nói ra những điều không nên chỉ để thỏa mãn cơn giận. Tồi tệ hơn, vì cơn giận chúng ta có thể vô tình làm tổn thương đến những người xung quanh, lưu lại trong kí ức họ một hình ảnh không tốt. Qua câu chuyện mỗi người thấy được sự quan tâm của Bác về cácH quản lý con người, một bài học về tâm lý và cách ứng xử sâu sắc khôn khéo cho tất cả chúng ta, cho ta hiểu ra trong mọi trường hợp phải thật bình tĩnh xử lý khéo léo các tình huống để có kết quả tốt nhất.

Hay câu chuyện “Việc chi tiêu của Bác Hồ” là bài học nhắc nhở chúng ta nên sống giản dị, chân thật và tiết kiệm, không hoang phí như đơn giản chỉ là tắt một chiếc quạt, tắt một bóng đèn, khóa vòi nước khi không sử dụng…
          Các em biết không? Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho tất cả mọi người, có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng, Bác từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Sự quan tâm đặc biệt và tình yêu thương vô hạn của Bác đối với các bạn thiếu niên, nhi đồng mồ côi được thể hiện qua câu chuyện “Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng” và “Thăm trại trẻ mồ côi”. Đi đến đâu, Bác cũng ân cần dặn dò cán bộ và nhân viên của Trại phải đem tấm lòng của người làm cha, làm mẹ mà cư xử, chăm sóc và dạy dỗ các cháu. Dạy các cháu sống có kỷ luật, biết giúp đỡ và nhường nhịn nhau, không được biến các cháu nhỏ thành “ông cụ non, làm mất đi cái trẻ trung, hồn nhiên vốn có”.

Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu niên, nhi đồng đối với tương lai mai sau của đất nước, Bác từng viết: “Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”. Vì vậy chúng ta cùng nhau phấn đấu học tập thật tốt, trở thành “con ngoan, trò giỏi”, xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” nhé. Và nếu các em muốn hiểu rõ hơn về Bác, về những lời dạy của Bác, cảm nhận tình yêu bao la của Bác, đồng thời có thêm những giây phút thư giãn thì chúng mình cùng tìm đọc cuốn “Những câu chuyện nhỏ bài học lớn từ Bác Hồ” trong thư viện trường hoặc qua các phương tiện khác nhé. Mỗi giây phút các em đọc một cuốn sách, một mẩu chuyện về Bác cũng chính là món quà ý nghĩa chúng mình dâng tặng Bác nhân kỉ niệm 133 năm ngày sinh của Bác.

Buổi giới thiệu sách của thư viện trường THCS thị trấn Phù Mỹ với chủ điểm “Kỷ niệm 133  năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đến đây là hết. Kính chúc thầy cô giáo và các em học sinh luôn có thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc! Hẹn gặp lại!

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4

Kính thưa quý thầy, cô giáo và các em học sinh thân mến!

Hồ Chí Minh đã nói: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Sử ta cho ta những hiểu biết về cội nguồn của tổ tiên, cội nguồn của dân tộc, biết quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông chúng ta, biết quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ gìn độc lập tự do cho Tổ quốc. Chúng ta thật tự hào với truyền thống yêu nước và khí tiết trung dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từ xưa đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm lăng đã có biết bao vị anh hùng tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, tiếng để muôn đời, đứng lên cùng nhân dân dẹp tan bóng quân xâm lược, yên dân trị nước. Đó là những vị tướng có biệt tài cầm quân, ngoài tài thao lược cầm binh còn có đức lớn của bậc thánh nhân được nhân dân suy tôn và kính trọng.

        Để giúp quý thầy giáo, cô giáo và các em học sinh có thêm nguồn tư liệu về các bậc danh tướng Việt Nam, cũng như nhắc nhớ chúng ta những người con đất Việt phải biết ơn, trân trọng những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh, tiếp bước niềm tự hào dân tộc, xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Thư viện trường THCS thị trấn Phù Mỹ xin trân trọng giới thiệu Bộ sách DANH TƯỚNG VIỆT NAM của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần để chúng ta thêm hiểu biết về lịch sử Việt Nam.

Bộ sách được in trên khổ 14,3 x 20,3 cm là kết quả của quá trình sưu tầm, biên soạn và dày công nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản. Đây là một công trình khảo cứu về sử học của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần đã giới thiệu một cách xúc tích về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của những người con ưu tú nhất trong công cuộc chống lại các thế lực xâm lăng tàn bạo. Họ là những tấm gương anh hùng tiêu biểu,  những ngôi sao mãi mãi toả sáng trong sử sách và trong kí ức bất diệt của dân tộc ta.

Đọc DANH TƯỚNG VIỆT NAM, chúng ta thấy tài bài binh bố trận, nghĩa khí sáng ngời, sự quyết đoán sắc sảo, đầy tự tin của các bậc danh tướng trên chiến trường và còn biết được quê hương, gia đình, dòng tộc của họ, biết được những mẩu chuyện thật cảm động trong cách đối nhân xử thế của các bậc anh hùng. Chúng ta chẳng những cảm phục tấm gương trung thành, nghĩa khí và dũng cảm vô song của các bậc danh tướng mà còn thực sự ngưỡng mộ những áng thiên cổ hùng văn do chính họ cảm tác mà viết ra. Tên tuổi các vị anh hùng tuy có khác nhau nhưng đã làm nên sự nghiệp trong những thời đại rất khác nhau. Bởi vì tất cả họ đều hoá thân thành lịch sử và là miền kiêu hãnh của dân tộc. Tại thư viện của trường THCS thị trấn Phù Mỹ hiện đã có 4 tập của bộ sách DANH TƯỚNG VIỆT NAM; gồm: 

TẬP 1: Danh tướng trong sự nghiệp giữ nước từ đầu thế kỉ thứ X đến cuối thế kỉ XIV: Giới thiệu về các danh tướng có biệt tài cầm quân như các vị anh hùng Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng, về Lý Thường Kiệt và các danh tướng thời Lý, về Trần Hưng Đạo và cùng các bậc có tài cầm quân và dày dạn kinh nghiệm trận mạc dưới thời Trần, những tấm gướng tiết tháo tiêu biểu dưới thời trần,...

TẬP 2: Danh tướng Lam Sơn những tướng lĩnh kiệt xuất từng tham gia chỉ huy chiến đấu ngoan cường dưới ngọn cờ của Lam Sơn, những anh hùng sát cánh cùng Lê Lợi “vung gươm đại định” rử nỗi nhục mất nước hơn 20 năm và góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc.

 TẬP 3: Danh tướng trong chiến tranh nông dân thế kỉ XVIII và phong trào Tây Sơn.Tác giả chia tập 3 này thành 04 phần chính sau:

Phần 1: Những danh tướng xuất thân áo vải đầu tiên gồm toàn bộ những trang viết về những thủ lĩnh tiêu biểu và xuất sắc nhất, cũng là những danh tướng có nhiều công lao trong phong trào chiến tranh nông dân thế kỉ thứ XVIII như: Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật.

Phần 2: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - ba lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, ba danh tướng kiệt xuất nhất thế kỉ XVII viết về lai lịch, quê hương, gia đình, cuộc đời và sự nghiệp của ba anh em Tây Sơn.

Phần 3: Danh tướng Tây Sơn cũng là một phần quan trọng của tập 3, ở đây đã giới thiệu lần lượt cuộc đời và sự nghiệp của các danh tướng Tây Sơn, những người từng vào sinh ra tử, từng có những cống hiến xuất sắc cho phong trào Tây Sơn.

Phần 4 là phụ lục là phần dành riếng để viết về những nhân vật đặc biệt như Ngô Thì Nhậm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp,... Họ không hề là võ tướng nhưng những ý kiến của họ lại có ảnh hưởng tích cực to lớn đối với thắng lợi chung của phong trào Tây Sơn.

TẬP 4: Danh tướng trong sự nghiệp đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến Trung  Quốc. Tác giả cũng dành hẳn một tập để trình bày về công lao to lớn và những cống hiến độc đáo cho kho di sản nghệ thuật quân sự Việt Nam của những bậc danh tướng đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân ta lật đổ ách đô hộ của ngoại bang. Đó là những vị anh hùng, tên tuổi được lưu danh trong sử sách, sự nghiệp sáng mãi trong kí ức bất diệt của dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Mai Thúc Loan…. như Trần Ngỗi, Trần Quí Khoáng, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý, Nguyễn Biểu…

Mỗi cuộc đời là một bức thông didepj trang nghiêm về khí phách hiên ngang, về ý chí quật cường và về quyết tâm giành lại cho bằng được đọc lập và chủ quyền của đất nước. Họ là tinh hoa của lịch sử và chính những tinh hoa ấy về sau ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành lời tuyên bố thật đanh thép: “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Họ chính là những nền tảng lịch sử giàu sức thuyết phục nhất của chân lí “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Mỗi tập sách đưa chúng ta trở về với quá khứ, hiểu thêm về con người, sự nghiệp của những bậc Danh tướng Việt Nam và những trận đánh oanh liệt hào hùng đã làm nên lịch sử, góp phần to lớn vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Từ đó mỗi người biết quý trọng những gì mình đang có và biết ơn những các vị anh hùng dân tộc, tiếp bước cha ông và sống có trách nhiệm đối với đất nước, rút ra bài học kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Mời các bạn tìm đọc DANH TƯỚNG VIỆT NAM tập 1,2,3,4 với số ĐKCB: TK.02691 đến TK.02715 tại thư viện nhà trường. Hi vọng đây là một bộ sách có ích cho các thầy cô giáo và các em học sinh

Buổi giới thiệu sách của trường THCS thị trấn Phù Mỹ đến đây là kết thúc, chúc quý thầy cô và các em sức khỏe, học tập thật tốt. Hẹn gặp lại quý thầy cô và các em vào buổi giới thiệu tiếp theo!

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3

...Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi

Và mẹ em chỉ có một trên đời

       Vâng! Mỗi người được sinh ra trên cõi đời này ai cũng đều có mẹ. Tình mẹ là thứ tình cảm quý giá và thiêng liêng nhất không có gì có thể so sánh được, là tình cảm hoàn mỹ tự nhiên là tình yêu thương cao cả vĩ đại nhất trên đời không bị phai nhạt theo tháng năm. Mẹ như dòng suối nguồn tươi mát, tự nhiên như khí trời, là ánh sáng, một ngọn đèn thắp bằng máu con tim cái đóm lửa thiêng liêng cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối, mẹ có nghĩa là mãi mãi là cho đi không đòi hỏi bao giờ. Mẹ đã bao bọc và yêu thương từ lúc con còn nằm trong bụng. Dù con có đi tới đâu và đứng ở vị trí nào, thành công hay thất bại thì con cũng mãi từng vòng tay mẹ nâng đỡ yêu thương và che chở. Người đã hy sinh cho con tất cả dù đời mình gian nan. Bởi vậy mới có câu:

 Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

 Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3 thư viện Trường THCS thị trấn Phù Mỹ xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh cuốn sách “Mẹ ơi, hãy yêu con lần nữa” do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2005.

Cầm cuốn sách trên tay, ngay từ trang bìa của cuốn sách các em sẽ bắt gặp một hình ảnh của người mẹ đang ôm con vào lòng với đôi mắt hiền từ, vòng tay ấm áp như để che chở, bao bọc cho đứa con của mình. Một hình ảnh rất đơn giản nhưng đó lại là khát khao của biết bao nhiêu đứa trẻ trên thế giới này.

Các em ạ, cuốn sách gồm 32 câu chuyện ngắn về tình mẫu tử. Đây là tập truyện chọn lọc  của cuộc thi  viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Sách do nhà xuất bản Giáo dục Hội nhà văn Việt Nam chọn lọc và được in trên khổ giấy 11x18cm, dày 287 trang, xuất bản năm 2005. Đây là những câu chuyện đã đạt giải, tuy tên mỗi câu chuyện có khác nhau  nhưng mỗi câu chuyện lại là một bài học quý giá cho chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình và cách cư xử đối với người thân trong gia đình nhất là đối với người đã có công sinh ra và nuôi lớn chúng ta thành người.

Ngay từ đầu cuốn sách được mở đầu bằng câu chuyện trùng với tên của cuốn sách “Mẹ ơi, hãy yêu con lần nữa!” của tác giả Nguyễn Thị Lan Anh. Đó là một câu chuyện hay viết về một cậu học sinh tên Thành. Thành luôn phải đấu tranh nội tâm khi em nghĩ rằng ba mẹ không thương Thành, không quan tâm gì đến em, đã có lúc em nghĩ “Giá mà người ta phát minh ra cái máy có biện pháp hỏi một sinh linh có muốn ra đời không, nếu sinh linh ấy đồng ý thì hãy đẻ. Như Thành, thấy chán, đôi khi chả muốn ba mẹ sinh ra mình nữa. Nhưng nếu không có mặt trên đời thì làm sao Thành biết bao nhiêu thứ tồn tại nhỉ?”. Các em có biết bạn Thành đã đấu tranh nội tâm như thế nào? Mời các em đón đọc câu chuyện ở trang 11 của cuốn sách để có câu trả lời nhé.

Có thể nói người mẹ là người luôn lo lắng và tìm đủ mọi cách để cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp, dạy chúng ta những điều hay lẽ phải. Người mẹ đó như thế nào mời các bạn đọc câu chuyện “Mẹ tôi” của Hoàng Minh Vũ  để hiểu rõ hơn về sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.

Cuốn sách còn rất nhiều câu chuyện khác nữa, đến với “Quà quê” là đến với những củ sắn quê hương dành cho những đứa cháu nhỏ rời làng lên thị xã thì ta mới hiểu được sức ám ảnh của món quà dân dã mang trong lòng nó cả sự chi chút, nâng niu của người bà tần tảo, giàu đức hi sinh. Chính bà và món quà quê bình dị đã ươm trong lòng những đứa trẻ xa nhà những hạt mầm tình cảm với mảnh đất và con người của quê hương. Hay với “Cây trứng gà bất tử”, ta lại bắt gặp một bài học khác, giản dị mà sâu sắc vô cùng. Từ phép tính chia của mẹ (chia khoản lương giáo viên ít ỏi thành những cột mục chi tiêu tiện tặn, rõ ràng nhưng không bao giờ quên đi khoản dành biếu cho người thầy cũ nay đã già mà đơn chiếc; đến mùa cho trái, những quả trứng gà ngọt ngào, vàng ươm được chia đều cho những người chung quanh...) những đứa trẻ đã nhận ra mình cần phải sống thế nào.

        ...Cứ như thế những số phận, những con người, những cách suy nghĩ và hành xử khác nhau ... được chuyển vào trang viết đã để lại bao dư âm trong lòng người đọc. Nội dung phong phú, văn phong đa dạng, thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc là điểm nổi bật của 32 truyện ngắn góp mặt trong “Mẹ ơi, hãy yêu con lần nữa!”. 

Có bao giờ các em tự hỏi vì sao tình yêu của mẹ lại cao thượng bao la và vô điều kiện như vậy vì sao mẹ lại yêu chúng ta nhiều đến thế và chúng ta cần làm gì để báo đáp công ơn to lớn của mẹ. Còn cô qua 287 trang sách trong “Mẹ ơi, hãy yêu con lần nữa!”cô chợt nhận ra rằng những người con rồi hiếu thuận đến mấy cũng không thể báo đáp được ân đức của mẹ cha và cha mẹ cũng không mong con cái phải đáp đền, chỉ cần chúng ta hỏi thăm trong lúc mẹ không khỏe hay lúc có mặt mẹ lộ rõ sự buồn phiền, chỉ cần một cái mỉm cười, một sự quan tâm nhỏ nhặt chỉ chừng đó thôi cũng khiến cho mẹ cha hạnh phúc ấm áp và thỏa mãn lắm rồi.

Nếu ai đang còn mẹ bên cạnh hãy vui sướng vì các em đang có báu vật vô giá trong đời. Nếu trên ngực em đã phải cài đóa hoa hồng trắng trong ngày lễ Vu Lan, em cũng đừng quá đau buồn bởi mẹ của em ở một nơi nào đó trong cõi siêu nhiên sẽ luôn dõi theo từng bước đường đi và tiếp thêm nghị lực cho em. Các em hãy tin rằng những lúc chùn chân hay vấp ngã người mẹ hiền yêu dấu của em sẽ nâng đỡ em đứng lên bằng sức mạnh phi thường và thiêng liêng của tình mẫu tử. Cuộc sống hiện đại tuy có rất nhiều giá trị đổi thay nhưng tình mẫu tử luôn thiêng liêng và cao đẹp không bao giờ thay đổi ,bởi sự hi sinh và tấm lòng của mẹ mãi dệt nên những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Sau khi đọc xong cuốn sách sẽ có những giọt nước mắt vì xúc động những người làm cha mẹ sẽ học được cách giáo dục con thương con như thế nào cho đúng và mỗi người con chúng ta đều biết phải làm gì để mẹ không phải đau lòng. Cuốn sách không chỉ chạm đến trái tim của người đọc bằng những mẩu chuyện gần gũi qua những câu chữ dung dị mà nhẹ nhàng lặng lẽ đặt vào tâm khảm của những con người trên thế gian này bằng chính những phút giây của tình mẫu tử.

Cô mong rằng sau khi đọc những câu chuyện cảm động này, các em sẽ có những phút giây lắng đọng cảm nhận về tình yêu của mẹ dành cho con cái, các em có thể cảm nhận sâu sắc hơn sự vĩ đại của tình mẹ, từ đó báo đáp mẹ bằng một trái tim nồng nàn vì mẹ già như chuối chín cây các em chỉ cần ngoan ngoãn học giỏi là mẹ của các em đã rất vui và hạnh phúc lắm rồi.

Mẹ đã sinh ra em

Đã vì em vất vả

Thương mẹ em thầm hứa

Ngoan ngoãn và giỏi giang

Ngoài ra thư viện trường còn có rất nhiều các cuốn sách hay về mẹ như Ngày xưa có mẹ, Mẹ Mạnh Tử dạy con, Lòng mẹ, Chúng con cần có mẹ, Niềm kỳ vọng của mẹ, Trái tim người mẹ, Đóa hồng tặng mẹ, Mẹ tôi,...

Mời các bạn tìm đọc. Xin chào!

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02

Kính thưa Quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Phát huy truyền thống đánh giặc của các thế hệ cha anh, lớp lớp thiếu niên năm xưa đã vâng lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ...”. Không chỉ hăng hái thi đua học tập, lao động và rèn luyện, còn không ngại hy sinh gian khổ cùng cha anh đánh giặc giữ làng. Trong số những thiếu niên dũng cảm ấy, có những thiếu niên ở quê hương Đình Bảng. Nhà văn Xuân Sách dựa trên những con người có thật, sự việc có thật, đã mô tả một cách hấp dẫn, ly kỳ trong tác phẩm Đội thiếu niên du kích Đình Bảng. Ngoài ra, tác giả còn viết nhiều truyện hay về tuổi thiếu niên và có nhiều tác phẩm được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích.

Đội thiếu niên du kích Đình Bảng là truyện dài của nhà văn Xuân Sách (1932-2008).  Hoàn thành năm 1964 và đến tay độc giả năm 1966. Nhà xuất bản Kim Đồng cho Tái bản lần thứ 10 và cho ra mắt bạn đọc vào năm 2005. Sách dày 304 trang, khổ 12,5x20,5 cm. Từ khi ra đời đến nay, cuốn sách này đã từng làm say mê nhiều thế hệ người đọc, đặc biệt là thiếu niên nhi đồng.

Cuốn sách “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” là câu chuyện kể về vùng ngoại vi Hà Nội xưa (Đình Bảng) trong những năm giặc Pháp chiếm đóng. Với lối viết chân thực và giàu cảm xúc, tác giả đã đưa người đọc về với không khí chống giặc giải phóng quê hương đất nước của dân tộc nói chung và của quê hương Đình Bảng nói riêng. Trong đó có những gương mặt quả cảm của các đội viên như Hoan, Phát, Tâm, Dìn hiện lên thật gần gũi và cao đẹp. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, các đội viên đã giúp du kích cất giấu vũ khí ngay trong tròng địch cùng các anh cho nổ mìn phá tung Câu lạc bộ. Đội thiếu niên du kích Đình Bảng ngày đó được giao nhiệm vụ thâm nhập vào những nơi địch chiếm đóng để lấy thông tin, nắm tình hình địch rồi thông báo cho lực lượng của ta.

Tác phẩm kể lại những ngày tháng hoạt động sôi nổi của những "du kích tí hon" làng Đình Bảng. Qua lăng kính của nhà văn, từng câu chuyện, từng đứa trẻ với hoàn cảnh và tính cách khác nhau hiện ra một cách gần gũi, chân thật, can đảm và khéo léo: là Phát bộc trực nhưng gan dạ; là cậu bé Thạo kiên cường anh dũng với nhiệm vụ điệp viên đầy thách thức; là cô bé Thư bán hàng nước khôn ngoan, lanh lợi,...Dù nhỏ tuổi nhưng các thiếu niên Đình Bảng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, các đội viên đã giúp du kích cất giấu vũ khí ngay trong lòng địch cùng các anh cho nổ mìn phá tung Câu lạc bộ. Đội thiếu niên du kích Đình Bảng ngày đó được giao nhiệm vụ thâm nhập vào những nơi địch chiếm đóng để lấy thông tin, nắm tình hình địch rồi thông báo cho lực lượng của ta.

Qua từng trang sách, bạn đọc cảm nhận được không khí, khung cảnh của một làng quê Bắc bộ giữa thời kháng chiến. Từ bờ ruộng, lũy tre, mái đình, cầu ao, mảnh vườn vắng đến những trò chơi, việc làm, vật dụng bé nhỏ hàng ngày của những đứa trẻ xóm quê đều trở thành “mật mã” truyền tin của đội du kích nhí. Mỗi hình ảnh, hoạt động đều được tái hiện chi tiết, rõ ràng qua từng con chữ.

Trong đội du kích thiếu niên ấy, nổi bật nhất là  đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn, ở Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) sinh năm 1935, ở vùng quê bị địch chiếm đóng, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm được giác ngộ, mới 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thạc Hoàn đã tham gia vào đội liên lạc của du kích xã. Đến năm 14 tuổi đã trở thành đội viên Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng. Những ngày đầu, Hoàn vào đồn lân la làm quen và giặt hộ quần áo cho một sỹ quan Pháp tên Sác-lơ. Khi đã quen, Hoàn làm đủ mọi việc như: Dọn dẹp, nấu ăn, bê nước trong các hội nghị cho chúng. Vì vậy, Hoàn đã lấy được rất nhiều thông tin quý giá cho cách mạng. Mưu trí, dũng cảm, Hoàn đã lập được những chiến công hiển hách.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, các đội viên nhỏ tuổi đã anh dũng tham gia kháng chiến và dành được nhiều chiến công vang dội: xâm nhập vào đồn bốt của giặc bí mật lấy được hàng chục tấn đạn, 13 khẩu súng các loại, 1 máy thông tin bộ đàm, 250 hòm ắc quy điện đài, 10 gánh dây điện, 200m vải bạt, 300 lít dầu mỡ, 10.000 quả lựu đạn; dùng axít phá hủy 3 đại bác, 1 súng cối, 8 đại liên, 1 trung liên của địch; rải 250 tờ truyền đơn tuyên truyền kháng chiến; 8 lần dẫn đường bảo vệ và giải thoát cho 42 cán bộ chiến sĩ của ta thoát khỏi trại tù của địch; vận động 115 lính ngụy bỏ hàng ngũ giặc trở về với cách mạng; phối hợp với du kích tiêu diệt 15 tên địch (trong đó có 2 sĩ quan), làm bị thương 17 tên và bắt sống được 1 lính lê dương. Đặc biệt là chiến công cắt phá dây dẫn nổ, cứu nhà dân và  làng Đình Bảng vào cuối tháng 4/1954.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đội đã phát triển thêm 43 đội viên mới, hăng hái tham gia học tập, sản xuất cùng nhân dân Đình Bảng xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hầu hết các đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đều hăng hái lên đường nhập ngũ, dũng cảm chiến đấu trên các chiến trường và lập nhiều chiến công. Hòa bình thống nhất, các đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa lại tích cực học tập, rèn luyện, trưởng thành trong công tác và cuộc sống, song vẫn giữ vững phẩm chất tiên phong cách mạng, tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với những thành tích nổi bật, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng vinh dự được Bác Hồ khen ngợi năm 1952, Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất; Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng lá cờ “Thiếu niên anh dũng” năm 1955; Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng cờ “Tuổi trẻ vì hòa bình” năm 1956; Đội Thiêu niên tiền phong các nước tặng cờ “Vì tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình”, Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tặng lá cờ “Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng sáng mãi trong lịch sử đội ta” năm 1999; nhiều đội viên của đội được tặng thưởng Huân Huy chương và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2009, Đội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các em học sinh yêu quý!

Cô mong muốn rằng sau khi đọc cuốn sách này, các em sẽ càng kính yêu và tôn trọng hơn đối với các anh bộ đội Cụ Hồ cũng như hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, những người đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay và là động lực thúc đẩy các thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, noi gương cha anh đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước. Cuốn sách có số đăng ký cá biệt từ TN.00577 đến TN.00586 hiện đang có tại thư viện nhà trường rất mong quý thầy cô và các em hãy tìm đọc nhé. 

Buổi giới thiệu sách hôm nay đến đây là hết, xin chào và hẹn gặp lại các em cùng toàn thể các thầy cô giáo vào buổi giới thiệu lần sau. Trân trọng cảm ơn!

Phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ - Đọc ngàn cuốn sách hay”

Phát động phong trào quyên góp sách trong toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường;

Chất lượng sách: Sách còn mới, sách có nội dung tốt; sách của nhà xuất bản lớn như: NXB Giáo dục, Văn hóa thông tin, ĐH Sư phạm,…; năm xuất bản từ năm 2018 cho đến nay;

Thể loại: Sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học cấp trung học cơ sở (theo chương trình mới đối với sách lớp 6 và lớp 7); sách về thiên nhiên môi trường, xã hội, pháp luật, nghệ thuật, sách văn học,…; sách thiếu nhi, truyện tranh, hạt giống tâm hồn, kỹ năng sống,…;

Số lượng: Ít nhất 01 quyển/ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Thời gian từ ngày 10 tháng 01 đến ngày 06 tháng 02 năm 2023.

Phong trào "Tết đọc sách"

Tiếp tục tổ chức thi đua giữa các khối lớp và cá nhân có lượt đọc nhiều nhất trong đợt thi đua sẽ được tuyên dương, khen thưởng;

Tiếp tục trưng bày sách, thêm các đầu sách, báo để phục vụ tốt nhất nhu cầu đọc của tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường;

Giới thiệu sách hay trên các nền online của nhà trường như: wesite, fanpage facebook;

Mỗi học sinh đăng ký mượn sách tại thư viện (từ 03 đến 05 cuốn) để đọc trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán.

Cán bộ thư viện thực hiện việc đăng ký mượn sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường khi có nhu cầu sử dụng tài liệu trong dịp Xuân Quý Mão 2023 trước ngày 18/01/2023.

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12

Dân tộc Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm trong lịch sử, có nhiều lúc được độc lập tự chủ, cũng lắm khi chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Những thử thách mang tính sống còn của lịch sử đã rèn đúc cho dân tộc Việt Nam một ý chí, một niềm tin sắt đá để chiến đấu và chiến thắng. "Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta" Hồ Chí Minh một con người mà tên tuổi và sự nghiệp đã gắn liền với dân tộc Việt Nam.

Trải suốt chặng đường 79 năm cuộc đời Người đã để lại những di sản lớn lao, mà khi thấm nhuần mỗi chúng ta sẽ có được nhiều bài học bổ ích, bài học để sống ở đời và sống làm người.

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022 ) để giúp bạn đọc có thêm nguồn tư liệu nghiên cứu, tìm hiểu thêm về con đường ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, Thư viện trường trung học cơ sở thị trấn Phù Mỹ xin trân trọng giới thiệu cuốn sách "Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh" .

Sách Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh dày 383 trang in trên khổ giấy 14 x 20 cm do tác giả Mai Văn bộ viết và được Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc.

Đúng như cái tên gọi của nó, tác phẩm viết về chặng đường gian nan và đầy gian khổ của Bác ra đi tìm đường cứu nước. Mỗi tác phẩm về Bác Hồ thường chọn cho mình một giai đoạn có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với sự lựa chọn của Bác, giai đoạn thời niên thiếu theo cha vào Huế và sau đó là quyết định sang trời Tây để ra đi tìm đường cứu nước được nhiều tác phẩm đề cập đến nhiều nhất. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn cảnh và chi tiết đến từng sự kiện như Mai Văn Bộ đã làm thì quả thật rất hiếm.

Nội dung mở đầu viết về con đường cứu nước của Bác Hồ Ngày 5/6/1911 khi người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu viễn dương Pháp rời bến cảng sài gòn với hai bàn tay trắng một ý chí sắt đá và một niềm tin mãnh liệt.Những bước đi tìm đường cứu nước của người thanh niên tuổi mới 21 sẽ là con đường trở thành một nhân cách được tôi luyện trong lửu đỏ và trong nước lạnh. Đây cũng là con đường nghìn vạn chông gai, tự rèn luyện mình để trở thành người yêu nước chân chính.. Đến nước Pháp, Bác thành lập Hội người Việt Nam yêu nước và thảo Yêu sách gồm 8 điểm, xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Người đã tham gia và sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Rời Paris sang Liên Xô, tham dự Đại hội 5 của Quốc tế Cộng sản, Bác đọc tham luận về vấn đề giải phóng dân tộc và thuộc địa.

Các tình tiết được miêu tả cực kì chi tiết và có tính chân thật cao. Tác phẩm phải sử dụng một khối lượng tư liệu khổng lồ để có thể cho người đọc cái nhìn tổng quát và sắc nét nhất về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

"Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh" giúp bạn đọc tìm hiểu quãng thời gian 30 năm bôn ba của Nguyễn Ái Quốc, nhưng lại đưa Người đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, gay go nhất của cách mạng Việt Nam trước khi giành thắng lợi cuối cùng. Chặng đường lịch sử từ năm 1911 đến năm 1946 là chặng đường vô cùng gian nan vất vả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp tìm đường cứu nước và đấu tranh giành chính quyền đem lại cuộc sống độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Đồng thời cuốn sách khắc họa tài năng ngoại giao, thao lược của Bác Hồ, ý chí kiên định không thể xoay chuyển ngay từ khi bắt đầu ra đi. 

 Thực ra 16 tháng qua từ ngày 19/8/1945 đến ngày 19/12/1946 chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua trong chiều dài của lịch sử dân tộc. Nhưng bao nhiêu là sự kiện có ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng khác thường đã xảy ra dồn dập đồng thời hoặc đan xen nhau chật ních khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Từ cuối năm 1946 với vùng Giải Phóng đồng bằng sông Cửu Long rộng mênh mông và bất khả xâm phạm, với những căn cứ du kích vững chắc ở miền Đông Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, miền Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý Thành Đồng Tổ Quốc.

Cuốn sách cho ta cái nhìn khác về chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường, bất khuất, nhạy bén, mang tầm vóc của một vĩ nhân. Tìm hiểu tác phẩm, ta cũng hiểu hơn về cuộc đời cách mạng của Bác, Bác phải chịu những sự khó khăn lớn hơn rất nhiều sự thiếu thốn về mặt vật chất. Ta có thể thấy tâm trạng uất ức khi Cảnh sát Anh bắt giữ Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng.

Quyển sách có số đăng ký cá biệt từ TK.01162 đến TK.01166. Hi vọng cuốn sách Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh sẽ cung cấp thêm nguồn tư liệu quý báu về cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt là thế hệ trẻ trong học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng phát triển đất nước. Sách hiện đang có tại thư viện trường trung học cơ sở thị trấn phù Mỹ hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc.

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11

Kính thưa quý thầy, cô giáo và các em học sinh thân mến!

Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng, tôn vinh  những giá trị vốn có của người thầy, vượt lên trên những chuyên môn kiến thức là một tấm lòng nhân hậu. Một trái tim nhân ái luôn thấu hiểu cảm thông và sẻ chia ấm áp tình người. Đó là tình thầy trò cao cả. Người thầy không chỉ là người dạy chữ nghĩa cho chúng ta mà còn là tấm gương, là người chỉ đường, là nhà cố vấn…giúp chúng ta có được kiến thức, hoàn thiện nhân cách, vượt khó, trưởng thành, nên người. Thư viện trường THCS thị trấn Phù Mỹ. Xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng tất cả các bạn học sinh. Cuốn sách “Tuyển tập thơ thầy giáo và nhà trường”. Do Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Vũ Tiềm sưu tầm và tuyển chọn.

 Cuốn sách gồm 559 trang. được nhà xuất bản Giáo dục in 30.000 bản trên khổ giấy 14 nhân 24 cen ti mét, tại Nhà máy Diên Hồng. Bìa sách nhẹ nhàng với sắc màu tím nhạt, sắc màu gợi hoài một nỗi xa xăm, một niềm thương nhớ, đơn giản; với hình ảnh hai cô học trò mặc trên người tà áo dài trắng thướt tha, tung bay theo gió, đứng dưới gốc cây rủ mềm cành lá. Tên sách được in bằng 3 màu mực: nâu, trắng, xanh nổi bật trên nền tím nhạt.

“Tuyển tập thơ thầy giáo và nhà trường”, với hơn 300 bài thơ của hơn 200 tác giả là nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động giáo dục, học sinh, sinh viên viết về nghĩa tình thầy trò, về tấm lòng của nhân dân với người thầy, về công việc thầm lặng, vất vả, khó nhọc của nghề dạy học,… trải ra, lắng lại và âm vang ngọt ngào trên mọi chặng đường phát triển, của nền giáo dục cách mạng.

Tuyển tập thơ mở đầu bằng chùm thơ trong trẻo của Huy Cận với bài thơ tựu trường học sinh, của Nguyễn Bính với giấc mơ anh lái đò, trường huyện, Xuân Huy với Giận nhau, Xuân Tâm với Nghỉ hè... Những bài thơ là nét vẽ của kỉ niệm, bật lên hình ảnh bạn bè, thầy cô, mái trường, bạn bè sáng trong tươi đẹp.

Trong bài thơ Tựu trường, Huy Cận đã thức dậy trong bài thơ là nỗi lòng của một chàng trai mặc dù đã bước qua ngày tháng học trò, nhưng tâm hồn vẫn đáng yêu, vẫn mộng mơ như khi 15 tuổi vào trường. Lời thơ là tiếng yêu và nhớ, nhớ và khắc ghi những gì, là hồn nhiên, kỉ niệm tươi đẹp về mái trường, về bạn bè, và cũng vẫn một ngòi thơ Huy Cận với bài thơ Học sinh thì:

Bốn vách nghiêm trang tiếng đọc bài

Đầu xanh dăm chục, nét văn khôi

Chiều xuân chim sẻ vô trong lớp

Ông giáo trông lên, chúng bạn cười.

Đọc Tuyển tập thơ Thầy giáo và nhà trường - cuốn sách với những bài thơ không chỉ là sắc hồng của kỉ niệm mà còn là tiếng đau xé lòng, tiếng phẫn uất trước tội ác của bọn đế quốc Mĩ trong chiến tranh. Bài thơ Chúng em muốn học của Trinh Đường là giọt nước mắt thực sự trước sự kiện 18 tháng 2 năm 1966 em học sinh vừa chết vừa bị thương do giặc Mĩ ném bom xuống ngôi trường cấp II ở Hà Tĩnh

Có ai ngờ chúng em

Chết rồi mà chưa biết

Như diều chợt đứt dây

Không mắt ai nhắm kịp.

Hay cũng bởi chiến tranh, mà tâm hồn của bao đứa học trò non trẻ phải trốn vào câu chuyện của thầy, để lòng bớt sợ, trong bài thơ, về một ngôi trường ở Quảng Phước, nhà giáo Đông Trình đã viết:

Nằm giữa học trò trong căn phòng tối

Dưới tấm phản dày, bao cát xung quanh

Câu chuyện cổ tích xin thầy đưa lối

Cho các em quên tiếng súng nổ gần

Nhưng cũng từ bài thơ, cho ta thấy được lòng thầy như cõi bình yên, luôn rộng mở để bao dung tất cả... đúng. Đó là tình thầy.

Cuốn sách là những lời thơ tươi sáng nhất, vẽ lên hình ảnh người thầy hết lòng dạy dỗ, yêu thương học sinh, tận tuỵ trong nghề nghiệp. Trong Thăm thầy của Thy Ngọc, người thầy đẹp chỉ với câu nói :

“Con khỏi lo tiền thầy vơi, gạo thiếu

Chuyện ấy lẽ thường, đời đạm bạc từng quen

Mối bận tâm nhắc lại nếu con quên

Đời chỉ đẹp nếu có tình có nghĩa”

Thầy là người ươm ấp tâm hồn cho những đứa học trò, có thể nói người thầy, đã dựng bước nền cho ta tới thành công, nhưng thầy không cần chi học trò trả ơn mình bằng vật chất, mà điều quan trọng nhất, thầy mong là hãy mãi mãi nhớ lời thầy: Hãy sống sao cho có tình, có nghĩa.

“Tuyển tập thơ thầy giáo và nhà trường”- một cuốn sách đơn giản với câu chữ, nội dung, nhưng cái hay của nó chính bởi những tình cảm chân thành được chào thấm lên trong thơ, và có lẽ điều đáng quý nhất của cuốn sách là nó cho ta hiểu được nỗi khó nhọc của nghề giáo,giúp ta biết trân trọng người thầy, người đã nắn tạo cho ta cái cốt cách.

Tháng 11 đến đem bao điều ý nghĩa về mái trường, về thầy cô. Hãy đến với thư viện nhà trường để cùng đón đọc những cuốn sách hay về mái trường, về thầy cô nhé. Mình hy vọng qua đó các bạn sẽ có được nhiều điều bổ ích cho bản thân mình đồng thời sẽ biết quý trọng và yêu thương thầy cô mình hơn. Quyển sách có số đăng ký cá biệt từ TK.02380 đến TK.02384. Chúc các bạn có nhiều thành tích trong học tập, sớm trở thành người có ích cho xã hội sau này.

Mến chào!

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!

Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2022), thư viện trường THCS thị trấn Phù Mỹ xin giới thiệu đến quý thầy cô và các em cuốn sách “Tình mẫu Tử” của hai tác giả là Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên. Cuốn sách dày 100 trang, là tập đầu tiên trong bộ sách “500 câu chuyện đạo đức” do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2019, tái bản lần thứ 3 năm 2019. Cuốn sách gồm 14 mẩu chuyện đạo đức nói về tình mẹ con, về một cuộc sống ấm êm nhưng không ít chông gai thử thách để nuôi ta lớn lên từ vòng tay yêu thương của mẹ.

Thưa thầy cô cùng các em!

Trên con đường gập ghềnh đầy chông gai thử thách, trái tim mẹ giúp ta mở lối vào đời bằng chính tình yêu kì diệu và vô điều kiện của người:

“Tôi muốn dệt những vần thơ về mẹ

Để đọc lên cho nước mắt trào rơi

Vì có gì đẹp đẽ nhất trên đời

Thiêng liêng nhất phải chăng là tình mẹ”

Mỗi người được sinh ra trên cõi đời này ai cũng đều có mẹ. Tình mẹ là thứ tình cảm quý giá và thiêng liêng nhất không có gì có thể so sánh được. Mẹ đã bao bọc và yêu thương từ lúc con còn nằm trong bụng. Không biết sợi dây vô hình nào gắn kết hai quả tim cùng hòa quyện vào nhau và sau thời gian chín tháng cưu mang con đã được chào đời, là một thiên thần bé nhỏ trong niềm vui, niềm hạnh phúc tột cùng của mẹ. Giây phút ấy, tình yêu thương mẹ dành cho con thật thiêng liêng biết dường nào! Và rồi theo tháng năm mẹ tần tảo, gánh vác bao khó nhọc nuôi con khôn lớn, chăm sóc dạy dỗ con nên người, luôn theo dõi và nâng đỡ bước chân con khi lạc lối. Người đã hi sinh cho con tất cả cuộc đời mình. Bởi vậy mới có câu:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”

Cuốn sách có mười bốn câu chuyện về tình cảm mẹ con, nói lên lòng biết ơn sâu sắc, thể hiện sự hiếu thảo của phận làm con đối với cha mẹ. Câu chuyện nào cũng thật sự xúc động, đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Tôi rất tâm đắc với mẩu chuyện mang tựa đề “Ai là người đẹp nhất”. Nội dung câu chuyện này kể về một công ty sản xuất hàng mỹ phẩm muốn thăm dò ý kiến dân chúng bằng hình thức viết thư cho công ty nói về người phụ nữ đẹp nhất nhằm quảng cáo sản phẩm của mình. Chợt Ban giám đốc xúc động trước một lá thư của một bé trai viết về mẹ của mình. Em khẳng định mẹ em là người đẹp nhất. Đọc xong lá thư, Ban giám đốc quyết định cho nhân viên đến tận nhà em để điều tra sự thật. Và các bạn có muốn biết kết luận cuối cùng là như thế nào không? Một điều thật bất ngờ, nhân viên điều tra ấy đã khẳng định nội dung lá thư của cậu bé là hoàn toàn đúng sự thật và cũng khẳng định mẹ em là người đẹp không cần sử dụng một loại mỹ phẩm nào.

Các em ạ! Thật hạnh phúc cho những ai còn có mẹ, được đón nhận sự yêu thương, che chở trong vòng tay của mẹ. Chúng ta phải biết quý trọng, nâng niu và đền đáp công ơn ấy bằng cách học thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, có ích cho xã hội. Đó là món quà ý nghĩa nhất mà chúng ta dâng tặng cho mẹ của mình.

Mẹ vì nuôi dạy con cái, để người con được cứng cáp mà trưởng thành, ngày qua ngày, năm tháng trôi đi, tuổi thanh xuân không còn, ngày càng già nua. Vì vậy

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”

Hãy đến với thư viện nhà trường để đọc cuốn sách bổ ích này nhé. Các bạn sẽ cảm nhận được tình cảm thiêng liêng mà mẹ dành cho con, thấm thía công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ đối với chúng ta.

Cuộc thi ảnh

Bài dự thi bao gồm:

- Phần hình ảnh: gồm 02 bức ảnh được chụp về những khoảnh khắc học sinh (nhóm học sinh) đang đọc sách hoặc trải nghiệm cùng với sách, có bối cảnh đa dạng (ví dụ: selfie, chụp cùng phong cảnh hay các đồ vật khác,…).

- Phần giới thiệu:

+ Được viết tay trên 01 trang giấy khổ A4, không quá 400 từ; trang trí khoa học, đẹp mắt và phù hợp với chủ đề.

+ Nội dung viết: lời bình hoặc chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, chú thích ảnh, trích dẫn trong sách, ... có phần giới thiệu sơ lược về cá nhân học sinh hoặc một nhóm học sinh tham gia dự thi.

+ Phần giới thiệu sau khi hoàn thành được chụp ảnh hoặc scan lại để gửi dự thi.

ĐÔI NÉT VỀ THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN PHÙ MỸ

                          ĐÔI NÉT VỀ THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN PHÙ MỸ

 

Kính thưa quý thầy cô giáo! Các em học sinh thân mến!

Thế là một năm học mới lại về, các em được gặp lại thầy cô, bạn bè. được lên một lớp mới, lớn hơn và trưởng thành hơn. Lên một lớp với nhiều kiến thức cao hơn và rộng hơn, vậy các em phải làm gì để học tốt hơn, giỏi hơn? Đó là nhờ công dạy bảo của thầy cô giáo, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của bản thân các em. Bên cạnh sự nỗ  lực của thầy cô và các em thì sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Mời các em đến với thư viện trường ta, nơi mà mọi tinh hoa của nhân loại được hội tụ. Bước vào thư viện, các em sẽ cảm nhận được sự phong phú, đa dạng của các loại sách, báo, tài liệu. Sách trong thư viện được sắp xếp theo các thể loại.

Sách giáo khoa: cung cấp kiến thức cơ bản nhất, sát thực nhất cho từng khối lớp học.

Sách giáo viên: giúp giáo viên có những kiến thức cơ bản và bài soạn theo chuẩn của Bộ Giáo dục. Đúng và đủ để dạy và truyền đạt kiến thức tốt nhất cho các em.

          Sách tham khảo: giúp giáo viên và học sinh có thể khai thác toàn bộ tri thức của loài người, đọc những cuốn sách này các em sẽ mở rộng sự hiểu biết của bản thân về tát cả các mặt văn hóa, xã hội, khoa học, lịch sử....

          Sách thiếu nhi: các em có thể thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng với nhiều mẫu chuyện cười, truyện tiếu lâm bổ ích nhưng không kém phần sâu sắc.

          Ngoài sách và các tài liệu tham khảo, trường ta còn đặt mua các loại báo, tạp chí như: báo Thiếu niên Tiền phong, báo Hoa học trò, báo Mực tím, báo Bình Định; các loại tạp chí Văn học tuổi trẻ, Toán học và Tuổi trẻ, Toán học tuổi thơ, Hóa học và ứng dụng, Vật lý tuổi trẻ, tạp chí Cộng sản, tạp chí Công Đoàn Bình Định và các loại báo, tạp chí khác…

Các em thân mến!

          Đi đôi với lịch sử phát triển của nghành Giáo dục- Đào tạo Huyện Phù Mỹ, trường ta đã đạt được những thành tích vượt bậc trong sự nghiệp trồng người, song hành với sự phát triển của trường , thư viện cũng từng bước được nhà trường quan tâm xây dựng, bổ sung qua hàng năm. Hiện nay thư viện trường ta đã cơ bản có đủ nguồn tài liệu để cung cấp cho giáo viên và học sinh những tài liệu cần thiết nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức giúp các em học tốt hơn, giỏi hơn.

Với sự phục vụ nhiệt tình của cô thư viện, tin chắc rằng các em sẽ có hứng thú và niềm đam mê đọc sách, báo để bổ sung cho mình những kiến thức bổ ích.

       Cuối cùng kính chúc quý thầy cô giáo mạnh khỏe, có một tuần làm việc tốt. Chúc các em bước vào năm học mới đạt được nhiều thành tích trong học tập.

CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH


    Kênh được thiết lập nhằm: Truyền cảm hứng, Kết nối và lan tỏa tri thức.
    Món quà dành cho những người yêu thích đọc sách báo, những người đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.
    Đặc biệt, Kênh còn dành sự quan tâm đến người khiếm thị.
    Đây là một hợp phần trong Chương trình thiện nguyện: Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt do TS. Vũ Dương Thúy Ngà thiết lập.
    Các bạn nhấn subscribe để ủng hộ nhé!

 

SÁCH VÀ TRÍ TUỆ VIỆT


    Để phục vụ Đề án Phát triển Văn hóa đọc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng kênh YouTube “Sách và Trí tuệ Việt” với mong muốn “Lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng Việt Nam”, hướng đến cộng đồng, phục vụ từ xa cho người đọc không có điều kiện tiếp xúc với sách, giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách hay, bổ ích, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam ngày càng phát triển.
    Được xây dựng với 5 chuyên mục gồm “Đại sứ văn hóa đọc”, “Sách hay cho bạn”, “Những tác phẩm vượt thời gian”, “Sách kỹ năng sống”, “Đi qua mọi miền Tổ quốc” cung cấp thông tin, tri thức đa phương tiện như hình ảnh, âm thanh, video… YouTube “Sách và Trí tuệ Việt” là kênh phục vụ cộng đồng phi lợi nhuận, do vậy, Vụ Thư viện kêu gọi các tác giả, các nhà xuất bản, các nhà làm sách và cộng đồng những người yêu mến sách chia sẻ niềm đam mê đọc sách thông qua việc chia sẻ bản quyền tác phẩm, hoặc đọc các tác phẩm, giới thiệu các tác phẩm hay, bổ ích gửi về Vụ Thư viện để chung tay xây dựng kênh “Sách và Trí tuệ Việt” phát triển.
    Các bạn nhấn subscribe để ủng hộ nhé!

 

Liên hệ

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần thêm thông tin, hãy liên hệ chúng tôi.


Web site: tvthcsttphumy.vuc.vn

E-mail: M-F 8am-9pm, Sa noon-5pm, Su 1-5pm